Non nước Ninh BìnhTin du lịch.

Non nước Ninh BìnhTin du lịch.

Cập nhật:Thứ 3, 25/10/2016

Non nước Ninh BìnhTin du lịch.


Những năm gần đây, du lịch “homestay” đã bắt đầu phát triển ở Ninh Bình và mang lại hiệu quả thiết thực. Để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, Ninh Bình xác định “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa để thu hút khách du lịch”.

(Chez Beo Homestay – Nguồn: Internet)

Loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) tại Ninh Bình đang được nhiều du khách trong nước và quốc tế quan tâm lựa chọn vì sự mới mẻ, dân dã. Homestay là cách mở rộng không gian, hướng về du lịch chất lượng, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao khả năng chi tiêu cho du khách. Du khách rất thích trải nghiệm không khí gia đình theo hình thức ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và sinh hoạt văn hóa bản địa với người dân địa phương. Thực tế cho thấy chỉ trong thời gian rất ngắn, du khách vừa có cơ hội được thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, di sản, vừa có thể hiểu thêm về nét ăn ở, sinh hoạt, văn hóa của người dân địa phương. Hiện nay dịch vụ này nhận được sự tham gia nhiệt tình của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Du khách sử dụng dịch vụ homestay được người dân địa phương dạy cách làm ruộng, làm đồ thủ công, trồng cây, bắt cua, bắt cá, cất vó, tham gia các trò chơi truyền thống, các tour du lịch sinh thái, học nấu ăn và cùng người dân chế biến món ăn truyền thống… Homestay đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân địa phương, nhiều du khách đến đây đã lưu lại dài ngày và chi tiêu nhiều hơn, số tiền mà người dân thu được từ dịch vụ homestay được tăng lên đáng kể, góp phần vào xóa đói giảm nghèo và nâng cao lòng tự hào, tình yêu quê hương của người dân địa phương.

Đặc trưng của sản phẩm du lịch homestay chính là sức hút văn hóa thẩm thấu qua cuộc sống thường nhật của người dân. Trong những năm qua, các hộ kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với tổng số vốn đầu tư trên 112 tỷ đồng, xây dựng 668 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch và tạo việc làm cho 265 lao động địa phương có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

(Nguyen Shack – Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, loại hình kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê – homestay vẫn còn nhiều hạn chế. Do nguồn vốn hạn hẹp các hộ kinh doanh chỉ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình, đầu tư kinh doanh mang tính tự phát, nhiều hộ sử dụng phòng ngủ của gia đình để phục vụ khách du lịch. Hầu hết lao động trong gia đình tham gia làm homestay chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch và ngoại ngữ, số lao động có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ chiếm tỷ lệ rất thấp. Dịch vụ du lịch cung cấp cho du khách còn nghèo nàn, phần lớn các hộ kinh doanh mới chỉ tập trung vào dịch vụ lưu trú thuần thúy, thiếu dịch vụ bổ sung và chương trình trải nghiệm cuộc sống bản làng. Một số hộ kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định kinh doanh về lưu trú du lịch. Do đó, hiệu quả kinh doanh không cao và không bền vững.

(Tam Coc Homestay – Nguồn: Internet)

Để khai thác và phát huy hơn nữa tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh, khắc phục tồn tại trong hoạt động kinh doanh homestay, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển loại hình du lịch homestay theo hướng khuyến khích các hộ dân trên địa tỉnh đầu tư phát triển nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) theo quy hoạch phát triển du lịch đã được duyệt. Phát triển loại hình kinh doanh homestay đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh trật tự, góp phần tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tạo việc làm có thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đảm bảo bình đẳng, chất lượng hiệu quả, đúng pháp luật. Tập trung tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, các Văn bản hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, trọng tâm là Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng địa phương, nhằm giúp họ hiểu rõ hơn lợi ích từ loại hình này, để tất cả mọi người cùng tham gia, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp, phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường, không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương. Tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, phục hồi các làng nghề truyền thống, sinh hoạt, văn hóa của địa phương, lồng ghép với loại hình du lịch homestay, góp phần thu hút khách du lịch và nâng cao chất lượng của loại hình du lịch này…

Hy vọng rằng, cùng với những giải pháp đồng bộ, loại hình du lịch homestay đang và sẽ mang lại hiệu quả cao cho kinh tế hộ gia đình tại địa phương, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch của Ninh Bình./.


Những năm gần đây, du lịch “homestay” đã bắt đầu phát triển ở Ninh Bình và mang lại hiệu quả thiết thực. Để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, Ninh Bình xác định “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa để thu hút khách du lịch”.